4 vấn đề cần làm ngay
Hôm qua (6/5), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá, thảo luận cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, đã hé mở sơ bộ bức tranh tổng thể về hướng chuyển dịch của nền nông nghiệp nước ta trong ngắn hạn cũng như dài hạn đến năm 2020.
Những dấu hiệu lo ngại
Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 về việc phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, Bộ NN-PTNT đã gấp rút triển khai nghiên cứu, soạn thảo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Những năm qua, bên cạnh những thành công và đóng góp to lớn vào nền kinh tế cả nước, SXNN nước ta đang bộc lộ những bất cập và hạn chế, cần phải nhanh chóng có chiến lược điều chỉnh lại cơ cấu. Những tồn tại cơ bản đang đặt ra trong thực tiễn SXNN của nước ta trong thời gian qua, đó là năng suất lao động vẫn còn thấp (năm 2012 vẫn nằm trong tốp thấp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương).
Cùng với đó, tín hiệu đáng ngại là tốc độ tăng GDP của ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt của nước ta đang có xu hướng giảm hoặc chậm lại (cụ thể: Tốc độ tăng GDP nông nghiệp giảm từ 4%/năm giai đoạn 1995 – 2000, xuống 3,83%/năm giai đoạn 2001 – 2005, 3,3%/năm giai đoạn 2006 - 2010 và năm 2012 chỉ còn 2,72%). Hai lĩnh vực then chốt khác của SXNN là chăn nuôi, thủy sản luôn bất ổn với nhiều thách thức về dịch bệnh; khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản nước ta còn thấp, tiêu thụ hết sức khó khăn và thường xuyên bị chèn ép trong XK...
+ “Ví dụ đơn cử: Chúng ta điều chỉnh định hướng tái cơ cấu SX thủy sản cho vùng bán đảo Cà Mau. Song theo tính toán cứ mỗi năm vùng này đang bị lún sâu khoảng 5cm do việc hút nước ngọt phục vụ nuôi tôm – nghĩa là chỉ cần 20 năm nữa, vùng này sẽ thấp hơn mực nước biển. Chính vì thế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề hết sức phức tạp, cần phải tính tới yếu tố suy thoái tài nguyên và biến đổi khí hậu để điều chỉnh định hướng cho sát thực tế. Về vấn đề tái cấu trúc đầu tư công trong SXNN, chắc chắn sẽ vấp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như lĩnh vực thủy lợi, nguồn vốn ODA lẫn trái phiếu Chính phủ đã bố trí rất cứng, khó mà cựa được trong giai đoạn tới. Nếu không có cơ chế cho phép điều chỉnh, sẽ khó mà thực hiện được”. (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng) + “Dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ để hoàn chỉnh. Nhìn tổng thể, đề án chưa làm rõ được định hướng chuyển biến cơ cấu giữa các lĩnh vực SX trong tổng thể SXNN, cũng như nội bộ của từng lĩnh vực. Đơn cử như đối với lúa gạo, cơ bản chỉ mới dừng lại ở định hướng chừng đó diện tích. Trong khi đó lúa gạo của ta đang cạnh tranh gay gắt với lúa gạo giá rẻ của Myanmar, Campuchia... nên vấn đề có nên SX lúa gạo chạy theo sản lượng hay không, có thể chuyển cơ cấu diện tích sang SX cây trồng khác phục vụ SX TĂCN hay không vẫn còn nhiều luồng quan điểm”. (Ông Lê Văn Bầm – quyền Vụ trưởng Vụ KH-CN, Bộ NN-PTNT) |
Về cơ bản, giá trị SX và thu nhập mà nông dân nhận tăng không đáng kể, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng chênh lệch... Bên cạnh những thách thức về sự cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, một trong những nguyên nhân dẫn tới tồn tại, đó là đầu tư cho nông nghiệp chưa hợp lí và tương xứng, hạ tầng phục vụ SXNN yếu, khoa học ứng dụng cho SXNN yếu kém...
Những định hướng cơ bản
Trước những bất cập và thách thức lớn, với định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dự thảo về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Bộ NN-PTNT nghiên cứu với các giải pháp đồng bộ nhằm tái cơ cấu, định hướng phát triển cho ngành nông nghiệp nước ta trong dài hạn. Những nội dung chính về định hướng sắp xếp “bộ khung” mới cho các lĩnh vực SXNN then chốt đã được dự thảo đề án thông qua bao gồm:
Về trồng trọt: Vẫn xác định là lĩnh vực SX quan trọng giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp cho kim ngạch XK. Việc tái cơ cấu ngành trồng trọt về cơ bản dựa trên cơ sở đa dạng hóa cây trồng và phát huy lợi thế vùng và KHCN. Trong đó, duy trì diện tích SX lúa gạo 3,8 triệu ha, nâng sản lượng lên 45 triệu tấn vào năm 2020. Giảm chi phí SX, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa vẫn là mục tiêu hàng đầu của SX lúa gạo. Bên cạnh SX lúa gạo, ngô được xác định là cây lương thực có định hướng mở rộng trong tương lai, với mục tiêu trước mắt là nâng diện tích ngô lên 8,5 triệu ha nhằm đảm bảo nguyên liệu cho SX TĂCN. Đối với cây công nghiệp, ổn định diện tích cà phê khoảng 500 nghìn ha; phát triển diện tích cao su lên 800 nghìn ha và 400 nghìn ha điều; 140 nghìn ha chè...
Về chăn nuôi: Định hướng chính là chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang trang trại, gia trại, đồng thời duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp công nghệ cao. Chuyển dịch chăn nuôi từ vùng đông dân cư (đồng bằng) đến vùng dân cư ít (trung du, miền núi). Cơ cấu đàn vật nuôi chuyển sang tăng tỉ trọng gia cầm.
“Cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp trong tổng thế nền kinh tế hiện nay còn quá thấp, cụ thể đầu tư quốc doanh khoảng 5-6%, đầu tư tư nhân khoảng 4% và đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 1-2%. Điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp, trước hết phải điều chỉnh đầu tư theo hướng tăng mạnh hơn nữa. Đối với kết cấu đầu tư (cả đầu tư công và đầu tư tư nhân), giai đoạn tới cần phải điều chỉnh theo các hướng sau: Chuyển mục đích đầu tư từ trồng trọt và lúa gạo là chính sang chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; chuyển đầu tư thủy lợi là chính sang đầu tư KH-CN, đào tạo nhân lực, hạ tầng thủy sản...; chuyển từ đầu tư nguồn vốn Nhà nước quản lí là chính sang thu hút nguồn vốn tư nhân, đầu tư nước ngoài và huy động tín dụng, xã hội hóa...”. (TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – GĐ Trung tâm Tư vấn chính sách, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) |
Về thủy sản: Được xác định là lĩnh vực tiềm năng, tạo đột phá cho lợi thế SXNN của nước ta trên thị trường quốc tế. Vì vậy, định hướng chung là duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mặt trận khai thác, nuôi trồng và chế biến. Địa bàn được ưu tiên đầu tư hạ tầng, dịch vụ thủy sản và nghề cá là ĐBSCL và các tỉnh ven biển Trung bộ. Trong chế biến sản phẩm đông lạnh, chủ trương giảm sản phẩm sơ chế, tăng tỉ trọng sản phẩm ăn liền...
Về lâm nghiệp: Định hướng chính là nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng lâm nghiệp đa chức năng, chuyển cơ cấu sản phẩm từ gỗ non chế biến dăm XK sang gỗ lớn phục vụ chế biến đồ gỗ XK. Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị SX lâm nghiệp bình quân là 4%/năm.
SX muối và phát triển ngành nghề nông thôn: Định hướng chính là tiếp tục mở rộng muối SX công nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 cả nước đạt 1,35 triệu tấn, trong đó 70% là muối công nghiệp.
Công nghiệp chế biến được xác định đóng vai trò quan trọng, với mục tiêu nâng giá trị gia tăng của nông sản chủ yếu từ 50% hiện nay lên 70% vào năm 2020...
Để thực hiện các định hướng tái cơ cấu trên, một trong các giải pháp quan trọng nhất mà Bộ NN-PTNT nhắm tới, đó là sắp xếp lại tình hình đầu tư theo hướng khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hợp tác công - tư trong chuỗi SX. Đối với đầu tư công cho SXNN, sẽ ưu tiên hơn cho các lĩnh vực SX gồm thủy sản, nông nghiệp và lâm nghiệp...
Giải quyết ngay 4 vấn đề “nóng” Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Đã đến lúc ngành nông nghiệp nước ta không thể chạy theo đối phó với khó khăn vướng mắc mang tính chất tình huống. Vì thế, yêu cầu tái cơ cấu, điều chỉnh lại SX mang tính chất dài hạn nhất thiết phải làm”. Bộ trưởng cho rằng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề hết sức phức tạp, không chỉ phục vụ cho dài hạn, mà có những vấn đề thuộc nội dung tái cơ cấu cần phải làm ngay. Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ NN-PTNT khẩn trương rà soát, định hướng nhằm giải quyết gấp một số vấn đề sau: Cục Trồng trọt gấp rút cùng các địa phương nghiên cứu, tái cơ cấu ngay đối với vấn đề lúa gạo, theo hướng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại một số vùng, đặc biệt là vùng ĐBSCL sang SX các cây trồng phục vụ nguyên liệu TĂCN hay không? Đồng thời, phối hợp với Bộ TN-MT nghiên cứu thông tư hướng dẫn về sử dụng đất lúa theo hướng linh hoạt. Tổng cục Thủy sản nghiên cứu ngay đối với vấn đề nuôi tôm theo hướng bền vững. Đối với nghề muối, giao Cục Chế biến, thương mại NLTS & Nghề muối nghiên nghiên cứu, điều chỉnh ngay đối với SX muối theo hướng nâng cao chất lượng. Đối với thủy lợi, yêu cầu rà soát, tái điều chỉnh ngay cơ cấu đầu tư công theo hướng đầu tư tư nhân và hình thức hợp tác công – tư. Bộ trưởng cũng yêu cầu trước 30/7/2013, các đơn vị Cục, Vụ... của Bộ NN-PTNT phải hoàn thành đề án tái cơ cấu riêng đối với lĩnh vực SX của mình, trình Bộ NN-PTNT xem xét phê duyệt. |