Hỗ trợ trực tuyến
Hotline
+84(0).909103607 +84(0).2723826444
Phòng kinh doanh
Liên kết website
Lượt truy cập
  • Đang truy cập: 2
  • Ngày hôm nay: 28
  • Ngày hôm qua: 61
  • Tuần hiện tại: 188
  • Tháng hiện tại: 1225
  • Tổng lượt truy cập: 248270
Tiêu thụ lúa ĐBSCL: Nông dân có thực lãi 30%?

Vụ lúa chính (đông - xuân) tại ĐBSCL đang thu hoạch rộ, câu chuyện tiêu thụ lúa cứ đến hẹn lại lên. Bao nhiêu mùa lúa trôi qua, phía thu mua đều khẳng định đảm bảo nông dân lãi 30%, trong khi phía sản xuất - những nông dân tay lấm chân bùn - lắc đầu ngao ngán và đến lúc họ lên tiếng “ai nói nông dân trồng lúa lãi 30%?”.

Nông dân lãi bao nhiêu?

Ông Út Được (xã Thạnh Mỹ Tây, H. Châu Phú, An Giang) trăn trở: Cứ vào vụ lúa thì nông dân cứ nghe mãi câu chuyện trồng lúa có lời 30%, không biết họ lấy thông tin ở đâu chứ nông dân vùng này làm gì có lời 30%. Ông bức xúc và yêu cầu tôi tính thử giùm chi phí sản xuất cho 1 công lúa (1 công = 1.000 m2): công làm đất 200.000 đồng + tiền phân, thuốc BVTV 2.000.000 đồng + bơm tưới 150.000 đồng + cắt và kéo lúa 300.000 đồng + công làm cỏ lúa, phun xịt 200.000 đồng. Tổng chi là 2.850.000 đồng/công, đó là chưa kể nhân công nhà. Một công lúa nếu thuận mùa, không bị dịch bệnh sẽ cho thu hoạch trung bình 800 kg (8 tấn/ha). Với 800 kg lúa, giá thu mua tại ruộng thời điểm hiện nay là 4.600 đồng/kg (tính theo giá đã tăng, lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) thì thu về được 3.680.000 đồng. Như vậy, thu 3.680.000 đồng, trừ chi phí 2.850.000 đồng, nông dân còn lời 830.000 đồng, tính ra chỉ 22,55%. Còn vụ hè thu, theo ông Út thì “bấm bụng” phải làm chứ không có lời bao nhiêu, chi phí sản xuất như vụ đông xuân (2.850.000 đồng) nhưng năng suất trung bình chỉ 600 kg (6 tấn/ha), ông Út cho giá thu mua là 5.000 đồng/kg thì thu về 3.000.000 đồng, trừ chi phí sản xuất, nông dân còn lời vỏn vẹn 150.000 đồng, lãi được 5%. Đó là chưa kể lúc giá lúa sụt giảm bất thường. Tổng cả hai vụ lúa, nông dân lời 930.000 đồng, tính ra chỉ được 13,9%. Ông Út cho rằng, chi phí và thu nhập rõ ràng như vậy thì ai dám nói nông dân tụi tui lãi 30%, ngoại trừ những nông dân sản xuất phải đạt trên 9 tấn/ha nhưng phải đầu tư nhiều phân thuốc.

Trồng lúa chỉ... đủ ăn

Ông Nguyễn Văn Tám (xã Thới Lai, Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) cho biết, mấy ngày nay giá lúa tăng 300 - 400 đồng/kg, lúa hạt dài thương lái thu mua 4.500 - 4.600 đồng/kg, lúa thường như IR 50404 thì 4.400 đồng/kg. Nếu trồng lúa IR 50404 thì nhẹ chi phí, năng suất có thể đạt 8 - 9 tấn/ha (đất ruộng phải tốt), trừ chi phí còn lời khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/công, tuy nhiên vụ hè thu thì lời khoảng 300.000 - 500.000 đồng/công. Theo ông Tám, nông dân cũng muốn trồng lúa thơm, lúa hạt dài theo khuyến cáo nhưng thực tế giá lúa thường và hạt dài không chênh lệch bao nhiêu (khoảng 200 - 300 đồng/kg), trong khi lúa thường như IR 50404 năng suất cao, dễ chăm sóc thì nông dân mới có lãi chút ít. “Gia đình tui có 12 công ruộng, làm hai vụ lúa, trừ chi phí còn lời khoảng 20 triệu đồng. Đó là chưa kể ruộng nhà với 4 nhân công nhà và lấy tiền nhà đầu tư. Nếu vay ngân hàng, mua phân thuốc lãi trả chậm coi như không có lời. Làm 12 công ruộng mà chỉ đủ ăn nên không ít thanh niên bỏ lên thành phố làm công nhân hết, làm công nhân cũng được 3 triệu đồng/tháng, vẫn “ngon” hơn làm lúa”, ông Tám nhẩm tính.

Lúa đang chờ thương lái

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã công bố thu mua tạm trữ từ ngày 20/2, dù giá lúa có lên chút ít nhưng thương lái thu mua không nhiều. Anh Nguyễn Văn Trung (xã Phú Mỹ, H. Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết, lúa vùng này đang thu hoạch rộ, các máy cắt phải hoạt động cả ban đêm, lúa chất đầy đồng nhưng lái mua không nhiều. Thời điểm cách đây khoảng 2 tuần giá lúa thấp (4.000 - 4.100 đồng/kg) thì thương lái thu mua ráo riết. Theo anh Trung, không ít thương lái biết trước giá lúa nên mua trữ, thấy thu hoạch rộ và giá lúa lên thì ngưng nhằm ép giá nông dân.

Để tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho nông dân, Chính phủ đã có quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo với thời gian thực hiện từ 20/2 đến 31/3/2013, VFA phân bổ cho 119 doanh nghiệp mua tạm trữ. Tại hội nghị sản xuất - tiêu thụ lúa và thủy sản ĐBSCL, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, để giải quyết khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa (dự đoán có nhiều khó khăn do cạnh tranh với các nước), các bộ, ngành trung ương và địa phương vùng ĐBSCL tập trung theo dõi sát tình hình, các diễn biến và kịp thời có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hiệu quả, ổn định đời sống người dân.

PHƯƠNG DUY